Kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề là kỹ năng then chốt làm nên một người lãnh đạo tài ba. Trong cuộc sống hằng ngày, đây cũng là kỹ năng mềm bạn nên có để ứng biến với sự cố trong cuộc sống. Bài viết sau sẽ phân tích về quy trình ra quyết định, phương pháp ra quyết định…
Quy trình ra quyết định
Bước 1: Hiểu vấn đề
Trước tiên, bạn phải tập trung xác định vấn đề gì mà bạn đang phải đối mặt và bạn phải quyết định điều gì.
Bước 2: Nhận định các giải pháp
Đây là bước bạn liệt kê ra các lựa chọn để giải quyết vấn đề. Có thể tham khảo ý kiến từ người khác (bố mẹ, thầy cô, bè bạn hoặc người bạn tin tưởng). Nên lắng nghe những góp ý, phân tích dựa trên cơ sở thực tế bản thân.
Quy trình ra quyết định bao gồm 4 bước chính (Nguồn ảnh: Internet)
Bước 3: Cân nhắc các giải pháp
Giai đoạn này yêu cầu bạn đưa ra lý lẽ để tán thành và phản đối mỗi lựa chọn. So sánh ưu, nhược điểm của từng giải pháp để lựa chọn một số giải pháp khả thi nhất. Xác định hậu quả và kết quả của mỗi lựa chọn và ảnh hưởng của chúng đối với người khác.
Bước 4: Đưa ra quyết định cuối cùng và làm theo
Kết hợp tất cả thông tin để đưa ra lựa chọn tốt nhất để thực hiện. Chịu trách nhiệm về quyết định và hành động của mình.
Kỹ năng ra quyết định quản lý
Quyết định quản lý là gì?
Quyết định quản lý là hành động có tính chỉ thị của chủ thể quản lý để định hướng, tổ chức và kích thích nguồn động lực trong hệ thống quản lý, chi phối sự vận động, phát triển của toàn bộ hệ thống quản lý nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Ra quyết định là một trong những hoạt động chủ yếu của nhà quản lý, thể hiện ý chí người lãnh đạo trong hoạt động quản lý, chỉ huy, điều hành, đồng thời là sản phẩm trí tuệ của quá trình tư duy, có ảnh hưởng đến sự phát triển tập thể, xã hội.
Quản lý cần có kỹ năng ra quyết định, bởi mỗi quyết định có thể ảnh hưởng
đến cả tập thể (Nguồn ảnh: Internet)
Các phương pháp ra quyết định quản lý
Phương pháp kinh nghiệm
Nhà quản lý đưa ra quyết định dựa vào kinh nghiệm. Phương pháp kinh nghiệm được áp dụng phù hợp với các vấn đề quen thuộc, tuy nhiên lại khó áp dụng với vấn đề mới, chưa từng trải nghiệm.
Phương pháp phân tích
Phương pháp này được sử dụng rộng rãi nhất, dùng để phân tích vấn đề trên nhiều phương diện và dựa trên cơ sở đó để xây dựng phương án, lựa chọn và đưa ra quyết định. Phương pháp ra quyết định này đòi hỏi nhà quản lý phải hiểu cặn kẽ vấn đề và có trình độ tư duy chặt chẽ.
Phương pháp thực nghiệm
Phương pháp này cho kết quả tin cậy, giúp nhà quản lý nhanh chóng đưa ra giải pháp tối ưu nhưng mất thời gian, công sức và tiền của.
Phương pháp kết hợp
Kết hợp 3 phương pháp trên để đạt mục tiêu cuối cùng.
Kỹ năng ra quyết định quản lý và giải quyết vấn đề cần lưu ý gì?
Bảo đảm tính thống nhất
Bất cứ quyết định nào được đưa ra đều phải nằm trong hệ thống, trong tổng thể các quyết định đã có, hướng tới đạt mục tiêu chung. Tránh tình trạng các cấp quản lý có chủ trương trái nhau, thậm chí đi ngược với chủ trương của cấp cao.
Đúng thẩm quyền
Quyết định phải do người quản lý có đầy đủ chức năng, thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình đưa ra.
Kịp thời, ngắn gọn, chính xác
Có nhiều quyết định buộc phải đưa ra trong tình huống cấp bách. Ngoài ra, quyết định phải được diễn đạt ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu để người khác dễ tiếp nhận và không bị nhầm lẫn.
Có tính pháp lý
Quản lý cần đưa ra quyết định pháp, đảm bảo dựa trên văn bản pháp quy (luật, quy định…) đã ban hành và đang có hiệu lực thi hành.
Nhìn chung, kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong công việc, đặc biệt ở vị trí quản lý. Vì vậy, người quản lý cần nắm rõ vấn đề và phân tích để có được quyết định tốt nhất và phù hợp nhất.
Ý kiến của bạn