Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ là một trong những yếu tố giúp bạn thành công, không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống thường ngày. Trong bài viết sau, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách rèn luyện kỹ năng giao tiếp và tuyển tập những cuốn sách hay về kỹ năng giao tiếp.
Kỹ năng giao tiếp là gì?
Kỷ năng giao tiếp là tập hợp những quy tắc, nghệ thuật ứng xử, đối đáp và tạo lập mối quan hệ được đúc kết, giúp mọi người trò chuyện, đàm phán hiệu quả và thuyết phục hơn.
Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ giúp dễ bạn thành công trong cuộc sống (Nguồn ảnh: Internet)
Tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp
Không thể phủ nhận vai trò của kỹ năng giao tiếp. Mỗi ngày bạn tiếp xúc với nhiều người gồm bạn bè, đồng nghiệp…. Nếu bạn không chú tâm vào câu chuyện, cảm xúc của họ, hoặc có cách phản hồi không phù hợp thì sẽ làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ đó. Hoặc nếu bạn gặp đối tác, khách hàng nhưng lại có cách đàm phán kém thuyết phục thì liệu bạn có ký được hợp đồng?
Khi giao tiếp tốt, bạn sẽ tạo thiện cảm ở người đối diện và đạt được mục tiêu của cuộc hội thoại. Giao tiếp khéo léo, bạn sẽ có thêm bạn mới, gia tăng vị thế trong mắt người khác và đem lại kết quả khả quan trong công việc.
7 kỹ năng giao tiếp cơ bản
Kỹ năng lắng nghe
Đỉnh cao của nghệ thuật giao tiếp không phải là nói thao thao bất tuyệt, mà là biết lắng nghe. Biết im lặng đúng lúc, lắng nghe và “hấp thu” điều đối phương nói là cách để bạn tôn trọng người đối diện, nắm bắt đúng và đủ quan điểm của họ để từ đó có sự phản hồi phù hợp (gật đầu, mỉm cười, chớp mắt…), chứng tỏ bạn đang quan tâm câu chuyện họ kể.
Kỹ năng quan sát
Quan sát ánh mắt, cử chỉ, dáng ngồi đối phương giúp bạn nhận ra tâm tư, tình cảm của họ để điều chỉnh hành vi bản thân. Ví dụ, khi họ tức giận, bạn nên ngưng nói; khi họ buồn, hãy vỗ về an ủi…
Với nhân viên bán hàng, quan sát khách hàng giúp nhận biết khi nào khách hàng “rung động”, nghĩa là những gì bạn nói về sản phẩm đã tác động đến họ. Đó là lúc bạn “tung ra đòn cuối”, mời mua sản phẩm mạnh mẽ hơn.
Giao tiếp bằng mắt để nắm bắt cảm xúc của đối phương (Nguồn ảnh: Internet)
Kỹ năng chào hỏi và tạm biệt
Trong 7 kỹ năng giao tiếp cơ bản, chào hỏi và tạm biệt vô cùng quan trọng. Chào hỏi là bước đầu để bắt đầu một cuộc đối thoại. Chào hỏi áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau như người mới quen, đối tác kinh doanh, bạn bè… Còn thiếu kỹ năng tạm biệt, bạn sẽ trở thành người bất lịch sự và làm mất cơ hội cho cuộc nói chuyện lần sau.
Kỹ năng diễn đạt
Trong giao tiếp, bạn không thể chỉ cần lắng nghe mà còn phải biết cách nói lên quan điểm, suy nghĩ và tâm tư để đối phương hiểu. Bạn cần học cách diễn đạt mạch lạc, đúng trọng tâm, tránh lan man gây mất thời gian, khó chịu, thậm chí khó hiểu cho người nghe.
Kỹ năng đặt câu hỏi
Bạn thấy mình và đối phương không hiểu nhau? Tất cả đều do hai bên có sự ngăn cách về lập trường và thường chỉ nói về vấn đề của riêng mình. Đặt câu hỏi là cách để chúng ta hiểu về nhau. Câu hỏi mở giúp bạn khai thác thông tin mình chưa biết. Còn câu hỏi đóng được dùng khi bạn muốn xác nhận thông tin mình đã biết rồi.
Kỹ năng kiểm soát cảm xúc
Trong giao tiếp, hành vi bốc đồng, tức giận, chấp nhặt… sẽ làm rạn nứt mối quan hệ của bạn và đối phương. Ai trong chúng ta cũng nhận thức được hậu quả của việc mất bình tĩnh nhưng lại ít kiểm soát được cảm xúc 100%. Vì thế, bạn cần học cách kiềm chế bản thân khi trò chuyện.
Kiềm chế cảm xúc tiêu cực để không hủy hoại mối quan hệ (Nguồn ảnh: Internet)
Kỹ năng mời hẹn
Khi mời hẹn, nên dùng lời gợi mở, không ép buộc. Thay những câu “Có hay không?” bằng lời mời nhẹ nhàng như “Chúng ta đi ăn trưa nhé”. Theo nghiên cứu, khi con người được hỏi một câu kết thúc bằng từ “không” thì xác suất họ từ chối bạn sẽ cao hơn.
Cách rèn luyện kỹ năng giao tiếp
Hiểu rõ vấn đề cơ bản trong giao tiếp
Hãy tự tin rằng bạn sẽ đóng góp đáng kể trong buổi trò chuyện và can đảm nói ra những điều mình nghĩ. Có người ngại giải bày chỉ vì sợ người khác cho rằng câu chuyện của mình không đáng nghe. Tuy nhiên, đôi khi câu chuyện không quan trọng với người này nhưng lại rất ý nghĩa với người khác.
Tạo sự lôi cuốn với người đối diện
Nhìn vào mắt đối phương giúp thể hiện sự quan tâm và khuyến khích họ cởi mở hơn. Có hai thủ thuật giao tiếp bằng mắt: 1 là nhìn vào một bên mắt người nghe, sau đó chuyển sang mắt kia; 2 là tưởng tượng có chữ T trên mặt đối phương (thanh ngang là trên lông mày và đường thẳng dọc xuống mũi), hãy giữ mắt quét trong vòng khu vực chữ T đó.
Thống nhất từ ngữ, cử chỉ, nét mặt và tông giọng phù hợp với hoàn cảnh và thông điệp truyền tải. Chẳng thể nào bạn đang xử lý kỷ luật với ai đó nhưng khuôn mặt lại tươi cười rạng rỡ đúng không?
Ngôn ngữ cơ thể cũng nói lên nhiều điều. Tư thế mở lòng bàn tay, cánh tay thả lỏng cho thấy bạn đang tiếp nhận những gì họ nói. Động tác khoanh tay trước ngực cho thấy sự tự vệ, không sẵn sàng khi giao tiếp…
Điều chỉnh giọng nói, ngôn ngữ phù hợp
Cách nói lí nhí cho thấy bạn nhút nhát, thiếu tự tin. Thay vào đó, cần phát âm rõ và tùy hoàn cảnh mà điều chỉnh âm lượng thích hợp. Tốc độ giọng nói cũng nên vừa phải, không quá nhanh cũng đừng quá rề rà.
Nếu bạn không chắc chắn về ý nghĩa của một từ, không nên sử dụng nó. Hãy trau dồi vốn từ vựng bằng từ điển và học từ mới mỗi ngày cũng là cách hay nếu bạn không đủ vốn ngôn ngữ.
Những cuốn sách hay về kỹ năng giao tiếp
- Nghệ Thuật Giao Tiếp Để Thành Công – Leil Lowndes
- Đắc Nhân Tâm – Dale Carnegie
- Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ – Trác Nhã
- Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình – Keith Ferrazzi & Tahl Raz
- Nghệ Thuật Giải Quyết Các Vấn Đề Trong Giao Tiếp – Nannette Rundle Carroll
- Ai Cũng Giao Tiếp Nhưng Mấy Người Kết Nối – John C. Maxwell
- Giao Tiếp Bất Kỳ Ai – Jo Condrill & Bennie Bough
- Giỏi Giao Tiếp Dễ Thành Công – Shirley Taylor & Alison Lester
- Kỹ Năng Lắng Nghe Trong Giao Tiếp – Hiraki Noriko
- Nghệ Thuật Giao Tiếp Hiệu Quả – Patrick King
Qua những thông tin trên về vai trò của kỹ năng giao tiếp và cách rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hi vọng bạn sẽ nhanh chóng cải thiện khả năng ứng xử của mình, linh hoạt hơn trong nhiều tình huống để đạt thành công trong sự nghiệp và các mối quan hệ.
Ý kiến của bạn