Nếu làm trong ngành Nhà hàng – Khách sạn, chắc chắn bạn sẽ biết vị trí supervisor là gì. Tuy nhiên, hạng mục công việc cụ thể và mức thu nhập của một supervisor thì không phải ai cũng biết rõ. Bài viết sau sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết hơn về công việc của một supervisor trong nhà hàng, khách sạn là như thế nào.
Supervisor là gì?
Supervisor là người giám sát và là trợ thủ đắc lực của quản lý. Nhìn chung, họ sẽ hỗ trợ quản lý thực hiện các công việc giám sát, theo dõi và điều phối những hoạt động diễn ra trong phạm vi quản lý của mình.
Supervisor là trợ thủ đắc lực của quản lý bộ phận (Ảnh: Internet)
Trong ngành Nhà hàng – Khách sạn, supervisor là vị trí hỗ trợ cho các duty manager, general manager, housekeeping manager… Tùy theo các bộ phận khác nhau sẽ có những tên gọi khác nhau. Ví dụ, bộ phận buồng phòng có giám sát tầng (floor supervisor), bộ phận F&B có giám sát nhà hàng (restaurant supervisor)…
Mô tả công việc của supervisor nhà hàng, khách sạn
Sau đây là mô tả công việc của một số chức danh liên quan đến giám sát trong các bộ phận tiền sảnh, ẩm thực và buồng phòng.
Giám sát tiền sảnh
- Giám sát khu vực tiền sảnh, đảm bảo nhân sự làm việc theo đúng tiêu chuẩn.
- Bố trí lịch làm việc cho nhân viên bộ phận.
- Giám sát việc thực hiện thủ tục check-in, check-out và quản lý doanh thu.
- Kiểm tra dịch vụ từ lúc khách đặt phòng đến lúc khách trả phòng nhằm bám sát quy trình.
- Cập nhật danh sách khách VIP, khách đoàn hàng ngày để xếp phòng phù hợp, trực tiếp kiểm tra việc chuẩn bị phòng cho khách VIP
- Hỗ trợ lễ tân check-in cho khách đoàn, làm việc với trưởng đoàn để lấy thông tin về yêu cầu đặc biệt và thông báo cho các bộ phận liên quan.
- Giám sát hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho nhân viên.
- Trực tiếp đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên mới.
- Lưu thông tin về phàn nàn của khách và cách giải quyết vào sổ nhật ký giám sát.
- Lập form cần thiết cho quá trình hoạt động của bộ phận.
- Kiểm tra thư báo, fax và đảm bảo thư, bưu kiện của khách được chuyển đến đúng khách vào thời điểm phù hợp.
- Thường xuyên kiểm tra khu vực công cộng, khu văn phòng, phòng thay đồ nhân viên…
- Báo cho tổng giám đốc khách sạn các trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, bạo lực…
- Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.
…
Mức lương tham khảo: 8 – 10 triệu đồng/tháng (tùy thuộc vào khối lượng công việc, quy mô khách sạn, thâm niên…)
Giám sát tiền sảnh hỗ trợ bộ phận làm việc hiệu quả (Ảnh: Internet)
Giám sát nhà hàng
- Giám sát quá trình làm việc của nhân viên nhằm đảm bảo bám sát đúng quy trình, tiêu chuẩn phục vụ
- Bố trí, phân công hạng mục và lịch làm việc cho nhân viên.
- Xử lý các báo cáo công việc của Tổ trưởng bàn về cơ sở vật chất, tác phong nhân viên…
- Hỗ trợ nhân viên thực hiện các công việc đầu ca.
- Giao tiếp với khách hàng để nắm bắt thị hiếu, tâm lý của khách.
- Giải quyết khiếu nại, thắc mắc của khách hàng.
- Kiểm soát chất lượng món ăn khi lên món.
- Xử lý vấn đề phát sinh nằm ngoài khả năng của nhân viên.
- Lập báo cáo hàng ngày cho quản lý nhà hàng.
- Hỗ trợ xây dựng kế hoạch đào tạo và triển khai, đánh giá đào tạo nhân viên.
- Kiểm soát chi phí, tài sản, trang thiết bị nhà hàng, tránh tình trạng lãng phí.
- Đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên bộ phận phục vụ, đánh giá nhân viên thử việc.
- Nhắc nhở việc tuân thủ nội quy lao động của nhân viên.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu từ cấp trên.
…
Mức lương tham khảo: 7 – 11 triệu đồng/tháng (tùy thuộc vào khối lượng công việc, quy mô nhà hàng, thâm niên…)
Mức lương giám sát nhà hàng tùy thuộc vào nhiều yếu tố (Ảnh: Internet)
Giám sát buồng phòng
- Lên bảng phân công phòng khách, lịch trực cho nhân viên theo khu vực phụ trách, lưu ý ghi chú yêu cầu đặc biệt nếu có.
- Giám sát quá trình làm việc của nhân viên buồng phòng, kịp thời sửa các lỗi sai, đánh giá nhân viên làm việc trong ca.
- Lên kế hoạch vệ sinh theo từng khu vực dựa trên công suất phòng.
- Kiểm tra chất lượng phòng khách ở theo tiêu chuẩn khách sạn.
- Đảm bảo vệ sinh phòng VIP, phòng khách ở dài hạn, phòng khách công ty…
- Kiểm tra vệ sinh khu vực hành lang, thang máy, thang bộ được đảm bảo sạch sẽ, không có chướng ngại vật…
- Giám sát hóa đơn mini bar, giặt ủi và nhắc nhở nhân viên bổ sung nước uống miễn phí hoặc minibar.
- Kiểm tra trang thiết bị trong phòng, nếu có hư hỏng phải báo ngay cho bộ phận liên quan.
- Theo dõi ghi chú đặc biệt liên quan đến extra bed, baby cot, honey moon… để bố trí nhân viên chuẩn bị theo yêu cầu.
- Quản lý chìa khóa, bộ đàm của nhân viên.
- Hỗ trợ nhân viên làm phòng khi cần thiết.
- Báo cáo công việc theo ngày, tháng cho trưởng bộ phận.
- Kiểm tra các đơn đặt hàng liên quan hóa chất và các mặt hàng khác cần thiết cho bộ phận buồng phòng trước khi trình ký.
…
Mức lương tham khảo: 7 – 12 triệu đồng/tháng ((tùy thuộc vào khối lượng công việc, quy mô nơi làm việc, thâm niên…)
Giám sát buồng phòng là vị trí công việc quan trọng của bộ phận buồng phòng (Ảnh: Internet)
Mất bao lâu để từ nhân viên thành supervisor nhà hàng, khách sạn?
Supervisor là vị trí đệm để bạn thăng tiến lên trưởng bộ phận. Thông thường, bạn phải mất 2 – 3 năm để từ nhân viên trở thành giám sát bộ phận. Tất nhiên, bạn có thể mất nhiều hoặc ít thời gian hơn, tùy theo năng lực cá nhân.
Nói đến đây, ắt hẳn bạn sẽ thắc mắc yêu cầu năng lực để trở thành supervisor là gì. Câu trả lời sẽ là:
- Có ít nhất 2 – 3 năm kinh nghiệm ở vị trí và môi trường tương đương
- Có khả năng quản lý, điều hành, giám sát
- Có tinh thần trách nhiệm, phong cách làm việc và lãnh đạo phù hợp với văn hóa doanh nghiệp
- Có khả năng giao tiếp và xử lý tình huống tốt
- Chịu được áp lực công việc
- Có khả năng định hướng và hỗ trợ nhân sự
…
Muốn trở thành supervisor, bạn cần có 2 – 3 năm kinh nghiệm (Ảnh: Internet)
Bí quyết để trở thành một supervisor giỏi
Ngoài những yêu cầu cần có ở trên, nếu muốn trở thành một supervisor giỏi, bạn cần thực hiện tốt những điều sau:
Quản lý thời gian hiệu quả: Một giám sát giỏi chắc chắn biết cách sắp xếp công việc và thời gian hợp lí, khoa học để đạt hiệu quả lao động cao nhất mà vẫn đảm bảo cân bằng cuộc sống, sức khỏe.
Quan tâm, chia sẻ với mọi người: Thường xuyên nói chuyện và lắng nghe mọi người không chỉ giúp supervisor rèn luyện khả năng giao tiếp mà còn rút ngắn khoảng cách với cấp trên và cấp dưới nhờ sự thấu hiểu. Hãy đặt bản thân vào vị trí nhân viên và giúp họ tiến bộ hơn.
Làm gương cho cấp dưới: Giám sát không thể khiến nhân viên nể phục nếu không làm gương. Chính vì vậy, các supervisor thường khắt khe với chính bản thân mình để giữ tác phong chuyên nghiệp và có được sự tôn trọng từ nhân viên.
Supervisor phải làm gương cho nhân viên cấp dưới về thái độ, tiêu chuẩn trong công việc (Ảnh: Inetnet)
Trên đây là những thông tin tham khảo về chức danh supervisor trong nhà hàng, khách sạn. Nếu bạn đang phấn đấu phát triển lên vị trí giám sát này thì hãy tham khảo ngay khóa học Nghiệp Vụ Quản Lý Nhà Hàng Khách Sạn của QTNHKSAAu để tìm cơ hội tích lũy kỹ năng và kiến thức cho bản thân.
Ý kiến của bạn