Nếu như năm ngoái, timeshare vẫn là khái niệm còn tương đối mới mẻ tại thị trường bất động sản Việt Nam. Bước sang năm 2018, hình thức timeshare đã trở nên phổ biến nhiều hơn bởi có khả năng sinh lời cao và khả năng thu hồi vốn nhanh chóng. Vậy timeshare thực chất là gì và có những hình thức kinh doanh hiệu quả nào?
Timeshare là gì?
Timeshare là từ ghép của hai từ time (thời gian) và share (chia sẻ), được hiểu là các phần tài sản và địa điểm du lịch bao gồm resort, hotel, condotel được làm chủ bởi một nhóm người. Mỗi người sẽ bỏ ra một số tiền để làm chủ một vị trí tại resort (theo đó chi phí sẽ được thanh toán mỗi năm). Đây là hình thức sở hữu phù hợp dành cho cả người đi du lịch một mình hoặc du lịch gia đình.
Chủ sở hữu timeshare được phép sử dụng kỳ nghỉ du lịch tại resort của họ vĩnh viễn hoặc trong một thời gian nhất định (được quy định trong hợp đồng giao dịch). Nhờ đó mà chủ sở hữu timeshare có thể sử dụng thời gian kỳ nghỉ này để nghỉ dưỡng hoặc khai thác nó bằng cách cho thuê.
Ở Việt Nam, tiên phong cho những dự án timeshare là các tập đoàn khách sạn và quản lý bất động sản nước ngoài. Một số dự án nghỉ dưỡng đã cung cấp dịch vụ sản phẩm này là The Nam Hai tại Hội An, Tản Viên resort tại Hà Nội, The Manna tại vịnh Cam Ranh – Khánh Hòa…
3 kiểu kinh doanh timeshare phổ biến
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, các sản phẩm timeshare được phân loại thành 3 hình thức phố biến.
Deeded interests (Hợp đồng bán đứt tài sản)
Người mua timeshare theo phương thức này sẽ nhận quyền sở hữu hợp pháp và quyền sử dụng tài sản đó theo khoảng thời gian cụ thể trong hợp đồng. Với loại hình này, người mua có quyền sử dụng vĩnh viễn tài sản đó, được để lại như tài sản thừa kế cho các thành viên trong gia đình, bán bất động sản khi mà khách hàng không còn muốn giữ tài sản đó.
Right-to-use (Hợp đồng quyền sử dụng)
Với hình thức này, người mua không có quyền sở hữu tài sản mà sẽ được sử dụng các cơ sở vật chất của timeshare trong những khoảng thời gian nhất định. Khi hết thời hạn ghi trên hợp đồng, quyền của người mua đối với bất động sản đó sẽ bị xóa bỏ (trừ khi tiếp tục ký hợp đồng gia hạn).
Leasehold agreements (Hợp đồng thuê bất động sản)
Tương tự right-to-use, loại hình timeshare thứ ba này cho phép người mua nắm giữ quyền lợi thuê bất động sản theo hợp đồng. Các quyền lợi này luôn thấp hơn so với quyền lợi của người nắm giữ toàn bộ tài sản đó (full ownership interest). Một trong những khác biệt giữa leasehold agreements và right-to-use là về khoảng thời gian hiệu lực của hợp đồng. Thông thường, hợp đồng của leasehold sẽ ngắn hơn right-to-use.
Chúng ta vừa cùng nhau tìm lời đáp cho câu hỏi “Timeshare là gì?” và ba loại hình kinh doanh phổ biến của timeshare. Hi vọng bạn đã có cái nhìn tổng quan về khái niệm timeshare vốn vẫn còn tương đối mới mẻ này.
Ý kiến của bạn