Phong cách ẩm thực Việt Nam có sức quyến rũ lạ kỳ đối với du khách quốc tế không chỉ vì món ăn đậm đà, thơm ngon mà bởi nét độc đáo của từng chi tiết trên bàn tiệc. Hầu hết các nhà hàng truyền thống Việt Nam yêu cầu nhân viên phục vụ rất cao trong việc bày trí bàn tiệc. Từng chi tiết phải được sắp đặt đúng chuẩn nhằm thể hiện tinh hoa ẩm thực Việt. Vậy bàn tiệc truyền thống Việt Nam cần được bày trí ra sao? Hãy cùng quantrinhahang.edu.vn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bàn tiệc truyền thống Việt Nam là như thế nào?
Bàn tiệc theo phong cách truyền thống Việt Nam có sự khác biệt so với các nước thế giới. Người Việt có xu hướng cùng thưởng thức bữa cơm với người thân nên trên bàn tiệc thường sẽ có nhiều hơn một người. Bàn tiệc kiểu Việt chú trọng không khí gia đình, sự gần gũi và ấm cúng nên khi dùng bữa, tất cả mọi người sẽ quây quần bên nhau vừa tận hưởng những món ăn thơm ngon vừa chuyện trò để thắt chặt tình cảm hơn.
Cách bày trí bàn tiệc truyền thống Việt Nam tại nhà hàng
Các vật dụng cần thiết
Dù cách bày trí bàn tiệc Việt Nam được mô phỏng theo kiểu bàn ăn gia đình truyền thống nhưng hầu hết các nhà hàng đã nâng cấp hơn để không chỉ người Việt mà còn du khách nước ngoài cảm thấy thoải mái khi dùng bữa. Theo đó, nhân viên phục vụ sẽ chuẩn bị vật dụng dựa trên số lượng khách dùng bữa trên 1 bàn tiệc. Và một phần ăn kiểu Việt dành cho 1 thực khách sẽ bao gồm các vật dụng như sau:
- Đĩa kê
- Chén ăn
- Đũa, đồ gác đũa
- Thìa, đồ gác thìa
- Ly uống nước
- Chén đựng nước chấm
- Khăn ăn
- Vật dụng khác như lọ muối tiêu, lọ tăm, hoa trang trí…
Nguyên tắc bày trí bàn tiệc kiểu Việt Nam
Khăn ăn: Khăn cần được trải lịch sự trên mỗi bàn để thể hiện sự sang trọng và chỉn chu của nhà hàng. Thông thường, màu khăn được chọn là trắng, kem, vàng nhạt… để tạo cảm giác tao nhã. Đối với bàn ăn kiểu Việt, khăn phải đặt trên đĩa kê và chén đặt lên trên. Vị trí khăn ăn đặt đúng chuẩn là ở ngay trước chỗ ngồi của khách và cách mép bàn khoảng 2cm. Tuy nhiên, tùy vào từng nhà hàng mà nhân viên phục vụ có thể sắp xếp linh hoạt cho đẹp mắt hơn.
Đũa: Đũa sẽ được đặt trên đồ gác đũa (nếu có) tại điểm 1/3 so với chiều dài của đũa và được đặt bên tay phải của chén theo hướng ngồi của khách.
Thìa: Thìa theo cách bày trí bàn tiệc kiểu Việt Nam sẽ được đặt linh hoạt theo nhiều cách khác nhau. Phục vụ có thể đặt thìa bên cạnh đũa, bên trái của chén hoặc đặt trên đồ gác thìa.
Ly nước: Ly nước sẽ đặt phía trước đầu đũa, cách đầu đũa khoảng 1cm.
Chén đựng nước mắm: Thông thường, nhân viên phục vụ nhà hàng Việt sẽ đặt chén nước mắm trước chén ăn của khách để họ dễ dàng sử dụng.
Các vật dụng khác: Hầu hết các nhà hàng Việt Nam đều đặt lọ muối, tiêu, lọ tăm, lọ hoa… ngăn nắp, gọn gàng ở giữa bàn ăn để những thực khách chung bàn dễ dàng nhìn thấy.
Là nhân viên phục vụ, đôi khi bạn sẽ phải set up nhiều loại bàn tiệc. Hãy tham khảo bài viết Các Kiểu, Quy Trình Setup Bàn Tiệc Kiểu Việt Nam, Âu, Á của chúng tôi để biết cách sắp xếp từng loại bàn tiệc nhé.
Ý kiến của bạn