VTOS là thuật ngữ quen thuộc trong ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn. Trong bài viết sau đây, QTNHKSAAu sẽ giải thích rõ cho bạn VTOS là gì và đóng vai trò như thế nào đối với ngành “công nghiệp không khói” tại Việt Nam.
VTOS là gì?
VTOS (viết tắt của cụm Vietnam Tourism Occupational Skills Standards) – Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam là một tiêu chuẩn cần thiết để phát triển chất lượng nghiệp vụ các ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn tại Việt Nam.
Tiêu chuẩn VTOS được các chuyên gia quốc tế và Việt Nam xây dựng trong khuôn khổ triển khai Dự án Phát triển nguồn Nhân lực Du lịch Việt Nam (HRDT Project) do Liên minh Châu Âu tài trợ từ năm 2004 đến 2010 và đã được Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch (VTCB) thẩm định, phê duyệt, phát hành vào năm 2007.
VTOS được ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự chất lượng cao cho nghề Du lịch Việt Nam với các tiêu chuẩn được quy định chặt chẽ thuộc nhiều lĩnh vực chuyên biệt, bao gồm 10 quyển tài liệu và 10 video hướng dẫn kỹ năng nghề, hướng dẫn kỹ năng đào tạo cho các nghiệp vụ như Lễ tân, Phục vụ buồng, Phục vụ nhà hàng, Chế biến món ăn, Điều hành du lịch và Đại lý lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Thuyết minh du lịch, Phục vụ trên tàu thủy du lịch, Quản lý khách sạn, Vận hành cơ sở lưu trú nhỏ…
Vai trò của VTOS
VTOS được chia nhỏ thành tiêu chuẩn VTOS nghiệp vụ buồng, VTOS nghiệp vụ lễ tân… và được sử dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ, khách sạn lớn, công ty du lịch và lữ hành. Tiêu chuẩn VTOS là thước đo đánh giá chất lượng kỹ năng nghề, giúp người làm trong nghề có cái nhìn tổng quát về các kỹ năng cần thiết cũng như hiểu được chi tiết các bước để thực hiện sao cho đảm bảo hiệu quả công việc.
Ngoài ra, tiêu chuẩn VTOS cũng được sử dụng để xây dựng giáo trình mang tính thực tế tại các trường đại học và cao đẳng đào tạo về Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn.
VTOS là tiêu chuẩn xây dựng giáo trình đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng về Du lịch
Giá trị của VTOS
Khi nhận chứng chỉ đào tạo nghề theo tiêu chuẩn VTOS, người lao động được chứng minh, công nhận năng lực, đồng nghĩa với việc mang lại cho người lao động cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.
Hiện nay, chỉ có hơn 30% trong tổng số khoảng một triệu nhân sự trong ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách Sạn là được đào tạo theo tiêu chuẩn VTOS. Có được chứng chỉ đào tạo nghề theo VTOS, tức người lao động đang nắm chắc trong tay niềm hy vọng và cơ hội phát triển như một nhân tố cốt lõi cho sự phát triển ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn nước nhà.
Ý kiến của bạn