Bạn là quản lý nhà hàng và chưa biết cách chia ca cho nhân viên? Bạn mới vào nghề và chưa biết ca là gì, xoay ca là gì, ca gãy là gì? Tham khảo bài viết sau từ Quản Trị Nhà Hàng Khách Sạn Á Âu để có câu trả lời cho mình.
Ca là gì? Tại sao phải chia ca?
Ca là gì?
Ca là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm thời giờ làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
Mục đích chia ca là gì?
– Đảm bảo chất lượng công việc và sức khỏe cho nhân viên. Nhân viên không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ, mang lại sự hài lòng cao nhất cho khách khi phải làm việc liên tục hàng chục giờ đồng hồ.
– Đảm bảo tiến độ công việc trôi chảy, không bị đình trệ vì thiếu người nhưng dư việc. Khi nhân viên bị đau ốm hoặc bận đột xuất, họ có thể xin nghỉ hoặc linh hoạt đổi ca cho nhau nếu cần mà ảnh hưởng đến công việc chung.
– Tiết kiệm chi phí nhân sự. Tùy vào thời điểm đông hay ít khách mà nhà hàng sẽ phân bổ số lượng nhân sự hợp lý, vừa đảm bảo hiệu suất công việc, vừa tránh tình trạng dư người nhưng thiếu việc, trong khi tiền lương vẫn phải trả đủ.
Các ca làm việc thường gặp
Ca sáng: 6h-14h
Ca tối: 14h-22h
Bên cạnh đó còn có ca gãy mà chúng ta sẽ tìm hiểu ngay dưới đây.
Ca gãy là gì? Ca xoay là gì?
Ca gãy nghĩa là nhân sự sẽ không làm liên tục 8 tiếng mà sẽ chia ra thành hai ca nhỏ hơn. Ví dụ, nhân sự làm từ 10h – 14h, sau đó nghỉ, rồi vào làm tiếp từ 17h – 21h.
Còn ca xoay (xoay ca) tức là tuần này nếu nhân sự làm full sáng thì tuần sau sẽ làm full chiều; hoặc có thể xoay ca kiểu 2 – 4 – 6 ca sáng, còn 3 – 5 – 7 ca chiều.
Cách chia ca dành cho quản lý nhà hàng
Chia theo mục đích kinh doanh
Mỗi nhà hàng sẽ có hướng kinh doanh riêng, đối tượng khách khách nhau. Ví dụ, có nhà hàng chỉ mở buổi tối, có nhà hàng phục vụ cả ngày. Do đó, việc chia ca phụ thuộc vào thời gian đón khách. Tại nhà hàng quy mô lớn, phục vụ cả ngày, đa phần ca làm việc phân thành:
Ca sáng: 6h – 14h
Ca tối: 14h – 22h
Ca gãy: 10h – 14h và 18h – 22h hoặc 10h – 14h và 17h – 21h
Chia theo khối lượng công việc cần làm trong ca
Tùy theo tính chất công việc, số lượng khách sử dụng dịch vụ mà khối lượng công việc trong mỗi ca sẽ khác nhau. Chẳng hạn có nhà hàng đông khách vào giờ ăn sáng, nhưng cũng có nhà hàng đông khách vào tối khuya… Các nhà quản lý cần đánh giá tình hình kinh doanh hiện tại để có sự phân chia công việc, ca kíp cho hợp lý.
Chia theo ý muốn, nguyện vọng của nhân viên
Trong những trường hợp đặc biệt như nhân viên nữ có con nhỏ dưới 1 tuổi, nhân viên đau ốm hay bận việc đột xuất… thì việc chia ca thỏa mãn ý muốn, nguyện vọng của nhân viên là hợp lý nếu vẫn đảm bảo chất lượng công việc chung.
Hy vọng những thông tin trên về các ca làm việc trong khách sạn, nhà hàng sẽ hữu ích với những ai là quản lý nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc ứng việc muốn tìm việc theo ca.
Ý kiến của bạn